Sử dụng giun đất làm thức ăn chăn nuôi

Giá trị dinh dưỡng của các loài giun đất

Giun đất được đánh giá là nguồn thức ăn giàu protein và được khuyến cáo sử dụng làm thức ăn chăn nuôi lần đầu tiên bởi Lawrence & Millar (1945), nhưng phải rất lâu sau đó thì mới có những phân tích đầy đủ hơn về thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng của một số loài giun đất và mới bắt đầu được thử nghiệm thành công làm thức ăn chăn nuôi từ năm 1978.

Bảng 1. Thành phần hóa học của bột giun một số loài giun nuôi phổ biến hiện nay (tính theo vật chất khô)

Giun hổ

(Eisenia Fetida*)

Giun đất châu Phi

(Eudrilus eugeniae**)

Giun quế

(Perionyx excavatus***)

Độ ẩm (%)6,754,00
Protein thô (%)51,6260,469,80
Chất béo thô (%)7,7612,05,80
Khoáng tổng số (%)19,7410,55,40
Ca (%)5,031,490,28
P (%)1,210,891,00
Mg (%)0,250,16
Fe (%)0,070,130,013
Cu (µg/g)420,97,83
Zn (µg/g)183,0122,5
Cd (µg/g)21,0

(Nguồn: *Gunya & cs., 2019; **Hilton, 1983; *** Guerrero, 1983)

Bảng 2. Hàm lượng các axit amin của bột giun (g/16 gN)

Giun hổ (Eisenia fetida)Giun đất châu Phi (Eudrilus eugeniae)Giun quế (Perionyx excavatus)
Theronine4,474,304,20
Serine4,444,504,61
Valine6,005,955,88
Methionine1,801,751,90
Isoleucine4,604,584,55
Leucine9,809,609,85
Tyrosine3,502,953,41
Phenylalanine3,583,203,62
Histidine3,373,103,22
Lysine7,767,857,80
Arginine9,569,209,33

(Nguồn: Reinecke & J.P.HayesandS.C.Cillier, 1991)

Bảng 3. Hàm lượng một số loại vitamin trong bột giun đất nói chung

Loại vitaminHàm lượng (mg/kg)
Niacin (PP)358
Riboflavin (B2)147
Pantothenic axit (B complex)16
Thiamin (B1)15
Pyridoxine (B6)2
Vitamin B124
Folic axit0,5
Biotin (B complex)0,35

(Nguồn: Edwards, 1985)

Giun đất là một nguồn thức ăn chăn nuôi giàu dinh dưỡng. Hàm lượng protein và các axit amin trong bột giun là tương đương với bột cá và các loại nguyên liệu giàu protein khác. Bột giun có chứa các axit béo mạch dài là loại chất béo mà nhiều loài động vật không thể tự tổng hợp được. Trong bột giun, ngoài canxi và phốt-pho, còn có một số loại chất khoáng vi lượng. Với sự đầy đủ và cân đối các loại axit amin và vitamin nên bột giun được khuyến cáo là một nguồn thức ăn lý tưởng cho vật nuôi bởi Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực liên hợp quốc (Edwards, 1985).

Một số phương pháp thu hoạch, chế biến giun đất làm thức ăn chăn nuôi

Phương pháp thu hoạch giun đất từ chất nền

+ Thu hoạch bằng tay: thường dựa vào tập tính sợ ánh sáng hoặc đi tìm thức ăn mới của giun để thu hoạch. Có thể đặt lưới ở phía đối diện nguồn sáng hoặc rải chất nền ra tấm bạt rồi gạt dần, giun sợ ánh sáng sẽ chui xuống phía dưới. Có thể đặt tấm lưới trên bề mặt luống rồi cho thêm chất nền mới lên để giun từ từ chui qua tấm lưới để lên trên.

+ Thu hoạch theo phương pháp cơ giới: Máy thu giun được sáng chế đầu tiên bởi Phillips (1985) tại Rothamsted và Viện nghiên cứu cơ khí nông nghiệp tại Anh (dẫn theo Edwards, 1985). Máy tách giun sẽ sử dụng lỗ sàng để sàng chất nền (phân giun) và tách giun ra. Ngoài ra, gần đây người ta còn sử dụng điện để tách giun. Tuy nhiên, tách giun bằng các biện pháp cơ giới sẽ làm giun bị stress và ảnh hưởng tới chất lượng giun.

Khi thu hoạch giun cần lưu ý nhẹ nhàng, tránh gây stress cho giun bởi vì khi chúng bị stress thì cơ thể của chúng sẽ tiết ra dịch coelomic (tức coelom), đây là một chất gây độc đối với động vật có xương sống bởi vì protein lysenin có trong dịch sẽ gây ra co cơ trơn và phân giải các tế bào máu nên sẽ giết chết tinh trùng của động vật có xương sống (Kobayashi & cs., 2004).

Sau khi thu hoạch, việc làm sạch giun trước khi chế biến làm thức ăn chăn nuôi là rất cần thiết. Edwards (1985) khuyến cáo rằng nên rửa sạch giun sau đó ngâm trong nước ít nhất là 3 giờ đồng hồ để chúng đào thải hết các chất cặn bã có trong đường ruột của chúng. Trước khi chế biến cần làm cho giun chết bằng các biện pháp như đông khô, gây sốc thẩm thấu, hoặc chần bằng nước nóng (Medina & cs., 2003).Theo Edwards (1985) thì phương pháp chần giun với nước sôi trong 1 phút được khuyến cáo sử dụng vì sẽ ít ảnh hưởng tới giá trị dinh dưỡng của giun. Hơn nữa, protein lysenin là loại không bền với nhiệt nên phương pháp chần cũng giúp loại bỏ độc tố có trong dịch coelom của giun (Kobayashi & cs., 2004).

Phương pháp chế biến giun đất

Chế biến và bảo quản giun vừa giúp kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm, giảm khối lượng và dễ dàng vận chuyển. Theo Edwards (1985), có 6 phương pháp cơ bản để chế biến giun như sau:

(1) Kết dính giun với rỉ mật

(2) Ủ xilô giun đất với axit formic

(3) Sấy khô giun bằng nhiệt độ phòng thông thường

(4) Sấy giun đông khô

(5) Sấy khô giun bằng lò sấy ở 95˚C

(6) Nhúng giun trong dung dịch acetone rồi sấy bằng lò sấy ở 95˚C.

Ngoài ra còn có một số phương pháp khác như làm mắm giun hay thủy phân giun. Những protein sau khi được thủy phân có khối lượng phân tử nhỏ hơn và chứa nhiều các mạch peptit và axit amin tự do giúp tăng cường các chức năng sinh học. Thông thường thủy phân protein bằng enzym sẽ tránh được các phản ứng phụ và không làm giảm chất lượng của protein.

thiet bi che bien

Ảnh: Các thiết bị chế biến giun tại Làng Gióng

thiet bi che bien 3

Ảnh: Bột giun sấy khô và dịch giun thủy phân chất lượng cao tại Làng Gióng

Những lưu ý khi sử dụng giun đất làm thức ăn chăn nuôi

Mặc dù giun đất được đánh giá là một loại thức ăn phù hợp cho chăn nuôi, tuy nhiên khi sử dụng các loài giun đất làm thức ăn chăn nuôi chúng ta cần lưu ý một số nguy cơ có thể tồn tại, đặc biệt là vấn đề về an toàn vệ sinh. Tác giả Byambas & cs. (2019) đã chỉ ra một số nguy cơ chính có thể có từ giun đất là tồn dư kim loại nặng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, có thể có chứa vi khuẩn và nấm.

Để hạn chế những nguy cơ này, tác giả Byambas & cs. (2019) khuyến cáo nên sử dụng giun đất được nuôi ở các cơ sở nuôi giun (thay vì sử dụng giun thu từ các vùng đất bị ô nhiễm) để làm thức ăn chăn nuôi.

Triển vọng sử dụng giun đất trong khẩu phần ăn của vật nuôi

Từ trước đến nay, giun đất đã được thử nghiệm sử dụng làm thức ăn cho gia cầm, lợn và thủy sản ở dạng giun tươi hoặc bột giun với nhiều tỷ lệ khác nhau và ở nhiều nơi trên thế giới. Tác giả Taboga (1980) cho biết giun đất là nguồn thức ăn rất phù hợp với gia cầm và đáp ứng đầy đủ nhu cầu các axit amin cho chúng, đồng thời không nhận thấy có sự truyền lây bất kì loại kí sinh trùng nào từ giun sang gia cầm. Vũ Đình Tôn & cs. (2009) cho biết bổ sung 2% giun quế (Perionyx excavatus) dạng tươi trong khẩu phần của gà thịt cho sinh trưởng và hiệu quả chuyển hóa thức ăn tốt hơn và không làm ảnh hưởng tới chất lượng thịt gà.

Đối với dạng bột giun, khi tổng kết các nghiên cứu đã được thực hiện trong vòng 30 năm qua, tác giả Parolini & cs. (2020) đã tổng hợp các khuyến cáo về tỷ lệ bột giun được chấp nhận trong khẩu phần ăn của gà thịt là dưới 15% trong khi tỷ lệ có thể sử dụng trong thức ăn của cá là khoảng 25-30%.

Hiện nay, Công ty TNHH KHCN Nông nghiệp Làng Gióng được biết đến là một trong những cơ sở nuôi giun uy tín, với nhiều phương thức nuôi giun và sản phẩm từ giun có chất lượng tốt. Để biết thêm chi tiết, xin liên hệ với Công ty để được tham quan, tư vấn và chia sẻ các kinh nghiệm nuôi giun và chế biến các sản phẩm từ giun.

Hán Quang Hạnh – Khoa chăn nuôi – Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cố vấn chuyên môn của Công ty

Chi tiết bài viết được đăng trên Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, tập 19, số 5 năm 2021 tại địa chỉ: http://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2021/05/tap-chi-so-5.2021-final.14.pdf

Công ty TNHH Khoa học công nghệ nông nghiệp Làng Gióng

Địa chỉ: Đổng Xuyên, Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội

Điện thoại: 0934 688 868

Email: langgiong68@gmail.com

Để lại bình luận

Scroll to Top