Nội dung chính
Trong tự nhiên, không có khái niệm “rác thải”; chất thừa của loài này luôn là thức ăn của loài khác trong lưới thức ăn. Từ nguyên lý này, quy trình ủ phân tuần hoàn sinh học ra đời, biến chất thải thành tài nguyên hữu ích, hiện thực hóa triết lý “tài nguyên tuần hoàn, không rác thải”.
BƯỚC 1: THIẾT KẾ KHU VỰC Ủ PHÂN
- Xây dựng luống ủ: Tạo luống ủ có độ dốc 10-15% để thu nước rỉ từ đống ủ về hố gas. Tại hố gas có sục khí và bơm phun dịch vi sinh tuần hoàn lại luống ủ.
- Lắp đặt hệ thống cấp khí: Máy thổi khí cung cấp oxy qua hai đường: một đường vào dàn thổi khí dưới đáy đống ủ, đường còn lại vào hố gas để luôn nhân cấy tăng trưởng vi sinh.
- Vận hành hệ thống tưới vi sinh: Nước vi sinh từ hố gas được phun lên đống ủ, tạo vòng tuần hoàn sinh học khép kín giúp quá trình sinh hóa không bị gián đoạn.
BƯỚC 2: CHUẨN HÓA CHẤT THẢI ĐẦU VÀO
Để đảm bảo hệ vi sinh hoạt động mạnh mẽ, chất thải cần được chuẩn hóa trước khi đưa vào luống ủ:
- Kích thước đồng nhất: Nghiền chất thải về kích thước từ 3-5mm.
- Tỉ lệ C/N tối ưu (30/1): Phối trộn chất thải với chất mang để đạt tỉ lệ C/N thích hợp. Ví dụ, phân gà có tỉ lệ C/N 12/1 cần bổ sung thêm chất xơ để đạt 30/1. Tỉ lệ này rất quan trọng, vì nếu quá nhiều đạm, sản phẩm cuối sẽ chỉ còn xơ, và ngược lại, nếu quá nhiều xơ, quá trình lên men sẽ không diễn ra do thiếu thức ăn cho vi sinh.
- Điều chỉnh độ ẩm (50-55%): Độ ẩm ở mức này là tối ưu để hệ vi sinh phát triển.
- pH lý tưởng: Giữ pH ở mức xung quanh 7.
BƯỚC 3: CẤP LIỆU VÀ VẬN HÀNH HỆ THỐNG Ủ
- Nạp chất thải vào luống ủ: Chất thải đã chuẩn hóa được đưa vào khu vực ủ.
- Khởi động hệ thống: Bật dàn thổi khí và dàn phun vi sinh để tạo điều kiện sinh thái ổn định cho hệ vi sinh phát triển.
- Duy trì oxy và vi sinh: Cung cấp đầy đủ oxy và vi sinh cùng dưỡng chất cho luống ủ.
- Tạo luống ủ phù hợp: Thể tích tối thiểu 2-4m³ để tạo tiểu khí hậu ổn định, không quá lớn để đảm bảo oxy phân phối đều khắp nơi.
BƯỚC 4: THEO DÕI VÀ ĐIỀU CHỈNH QUÁ TRÌNH Ủ
- Bổ sung dưỡng chất và điều chỉnh khí: Đảm bảo hệ vi sinh hoạt động tốt nhất nhờ tính liên tục và tuần hoàn của hệ thống.
- Kiểm tra nhiệt độ: Sau 3-5 ngày, nhiệt độ đống ủ có thể đạt tới 70°C, cho thấy vi sinh vật phân giải mạnh. Cần theo dõi để cấp vi sinh, dưỡng chất và nước phù hợp.
- Đánh giá thành phẩm: Sau 15-20 ngày, nếu phân khô và tơi xốp, quá trình ủ đã thành công.
- Thu hoạch phân thành phẩm theo nguyên lý tuần hoàn gối đầu: Mỗi lần lấy ra một phần phân đã ủ ngấu, ta bổ sung lượng chất thải mới tương ứng và trộn đều với phần còn lại trong đống ủ. Nhờ đó, hệ vi sinh vật luôn được duy trì ổn định, giúp phân hủy nhanh và hiệu quả, không bị gián đoạn – giống như giữ lại nước cũ khi muối dưa để lên men tốt hơn. Cứ như vậy lặp lại lấy ra, bổ sung tuần hoàn gối đầu.
LƯU Ý:
Luôn kiểm soát màu mùi của đống ủ để đảm bảo những điều kiện tối ưu về nhiệt độ, độ ẩm, oxy để hệ vi sinh phát triển.
Video đảo trộn đống ủ: https://drive.google.com/file/d/1EAOEYoLMPCn8dRKoQ0eyVw_5ncK0gBh2/view?usp=sharing
Công ty TNHH Công nghệ sinh học & Chuyển đổi số Làng Gióng
Địa chỉ: Đổng Xuyên, Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội
Điện thoại: 0934 688 868
Email: [email protected]
Fanpage: Hợp tác cùng vi sinh vật - Tuần hoàn sinh học